Lâm Đồng tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về truy xuất nguồn gốc
Mục đích trong việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm hướng đến thống nhất chung về cơ sở dữ liệu quốc gia về truy xuất nguồn gốc, có sự kết nối và tuân thủ các quy định của quốc tế. Qua đó tạo dựng hành lang pháp lý làm cơ sở để đàm phán với các quốc gia khác có hàng hóa xuất khẩu cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa, sản phẩm nội địa đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu.
Sáng 27/9/2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức tập huấn về “Hệ thống truy xuất nguồn gốc” cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc.
Hội nghị tập huấn có sự tham dự của ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất Lượng (Tổng cục TCĐLCL); ông Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia; bà Phạm Thị Nhâm – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng; ông Lê Đức Thọ - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất Lượng và gần 25 cán bộ, công chức, viên chức thuộc Chi cục TCĐLCL và Trung tâm TCĐLCL.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL phát biểu tại hội nghị
Tại Hội nghị tập huấn, bà Phạm Thị Nhâm – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo tình hình triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc tại địa phương. Qua đó, bà Phạm Thị Nhâm cũng đã đưa ra một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai, thực hiện và đề xuất một số kiến nghị với mong muốn có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp trong hoạt động quản lý truy xuất nguồn gốc trong thời gian tới.
Về phía Tổng cục TCĐLCL, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cũng đã đưa ra các định hướng tháo gỡ khó khăn dựa trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Cụ thể là Nghị định số 13/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Theo đó, Nghị định số 13/2022/NĐ-CP: Quản lý, thực thi hoạt động truy xuất nguồn gốc bài bản, hiệu quả đã giúp: Xác định nhiệm vụ cần triển khai, phương án và phân công trách nhiệm Bộ, ngành, các bên liên quan trong quá trình quản lý và thực thi hoạt động truy xuất nguồn gốc một cách bài bản, hiệu quả; Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; Quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu; quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu; quản lý tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý.
Nội dung tập huấn, hướng dẫn do ông Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia trình bày với những thông tin quan trọng như: Giới thiệu tổng quan về truy xuất nguồn gốc và thực trạng truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa ở Việt Nam; Vai trò, lợi ích của việc áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc; Giới thiệu cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; Hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và trách nhiệm quản lý của nhà nước về truy xuất nguồn gốc.
Hội nghị tập huấn đã giúp các cán bộ, công chức, viên chức nắm bắt thông tin cơ sở hành lang pháp lý, tiếp cận với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; hiểu rõ trách nhiệm và hoạt động quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương.
Theo Yến Thư ( Cổng TTĐT Lâm Đồng)